TIN MỚI

4 lưu ý khi ôn thi môn toán hiệu quả cho kỳ thi THPT 2018

Không còn quá nhiều lạ lẫm với các em khi đã bước sang năm thứ 2 môn toán thi theo hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, cách học, cách thi như thế nào để đạt kết quả tốt nhất thì không phải em nào cũng đều nắm được. Hãy cùng AUM hệ thống lại 4 mẹo nhỏ nhưng cực hữu ích trong kỳ thi THPT 2018 năm nay:

1. Học như thế nào?

Các em không cần chú trọng nhiều đến cách trình bày cẩn thận trong bài thi nữa mà cần quan tâm là làm thế nào để có chiến thuật giải nhanh, ngắn gọn và quan trọng là chính xác. Muốn vậy, mỗi bài học các em cần lưu ý:

- Tập trung nghe giảng trên lớp để hiểu cặn kẽ kiến thức bài học, ghi chú những nhận xét mà các thầy cô giảng dạy lưu ý.

- Về nhà học kỹ lý thuyết, hiểu rõ bản chất của từng khái niệm, thuộc các công thức, tìm hiểu các ứng dụng của kiến thức đã học, làm một số bài tập cơ bản bằng tự luận để ghi nhớ công thức và sau đó làm các bài trắc nghiệm.

- Việc làm bài trắc nghiệm các em có thể dùng các kỹ thuật sau: làm trực tiếp như tự luận, dùng cách loại trừ dần các đáp án sai, dùng phương pháp thử, dùng máy tính... Trong quá trình học các em nên tìm cho mình những cách giải nhanh phù hợp với bản thân, tránh sử dụng quá nhiều các kỹ thuật hoặc các mẹo trên mạng mà mình cảm thấy không hiểu và khó nhớ.

- Cố gắng luyện tập sử dụng thành thạo máy tính Casio, tuy nhiên đừng quá lệ thuộc vào máy tính.

- Với học sinh khá, giỏi cần tìm hiểu cách vận dụng linh hoạt các kiến thức đã học để xử lý các bài toán ở cấp độ vận dụng cao.

- Cuối mỗi chương nên làm một số đề trắc nghiệm. Đề trắc nghiệm có nhiều ở trên mạng, bạn phải có sự chọn lọc các đề thi thử có uy tín, bấm giờ để hình thành chiến thuật làm bài hợp lý. Quan trọng là sau khi làm xong một đề cần rút kinh nghiệm ngay, các em cần xác định các lỗi sai, các câu chưa cảm thấy tự tin, tìm xem nguyên nhân sai do đâu, tìm cách khắc phục.

2. Ôn tập ra sao?

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, nội dung kiến thức trải rộng từ lớp 11 đến lớp 12, trong đó kiến thức lớp 12 là chủ yếu. Thi trắc nghiệm nên nội dung đề thi sẽ trải rộng khắp các kiến thức trong chương trình đã học.

Vì vậy cần ôn luyện nắm chắc kiến thức sách giáo khoa tất cả các chương, bài từ lý thuyết tới bài tập. Đặc biệt, với thi trắc nghiệm, lượng kiến thức rộng, học sinh không nên học tủ; không được bỏ bất kỳ phần nào trong sách giáo khoa và bài tập thuộc chương trình lớp 11 và 12, kể cả phần đọc thêm.

Tất cả có 15 chủ đề để ôn tập, cụ thể:

Lớp 11 có khoảng 15 câu gồm các chủ đề: Lượng giác; Tổ hợp - Xác suất; Dãy số - Cấp số; Giới hạn - Liên tục; Đạo hàm - Tiếp tuyến; Phép biến hình; Đường thẳng - Mặt phẳng và quan hệ song song trong không gian; Quan hệ vuông góc.

Lớp 12 có các chủ đề: Ứng dụng của đạo hàm, khảo sát và vẽ đồ thị của hàm số; Hàm số lũy thừa, hàm số mũ và hàm số logarit; Nguyên hàm, tích phân và ứng dụng; Số phức; Khối đa diện - Thể tích khối đa diện; Mặt nón, mặt trụ, mặt cầu; Phương pháp tọa độ trong không gian.

Khi ôn tập trước hết các em nên ôn tập theo từng chủ đề. Mỗi chủ đề cần hệ thống lại những kiến thức cơ bản, những dạng toán thường gặp, những công thức tính nhanh dễ nhớ. Sau khi đã ôn tập đủ các chủ đề, các em tập giải các đề tổng hợp theo đúng thời gian cho phép.

Qua giải đề các em sẽ rèn luyện được nhiều với các dạng câu hỏi có cấu trúc tương tự đề thi minh họa và cách phân phối thời gian làm bài hợp lý để không lúng túng và bị động khi làm bài thi.

Các em cũng rèn được khả năng phản xạ nhanh, rèn kỹ năng tính toán nhanh, luyện tập bấm máy tính, các cách giải trắc nghiệm, tránh được các câu hỏi bẫy, từ đó có thể giải quyết các câu hỏi trong một khoảng thời gian ngắn.

Chú ý khi giải xong một đề luôn phải rút ra được những điểm cần lưu ý cho mình nhằm giúp giải những đề sau tốt hơn.

3. Cách làm bài thi đạt hiệu quả?

Đề thi THPT quốc gia môn Toán gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, mỗi câu có 4 lựa chọn, trong đó chỉ có 1 lựa chọn đúng. Để chọn được đáp án đúng một cách nhanh chóng và chính xác, các em nên làm bài theo các bước sau:

Bước 1: Làm những câu cơ bản (nhận biết, thông hiểu). Đề thi thường cho từ dễ đến khó nên các em cần làm tốt 25 câu đầu, thời gian làm mỗi câu ở phần này thường khoảng 1 - 2 phút.

Bước 2: Làm những câu vận dụng thấp có khoảng 15 câu, thời gian làm mỗi câu ở phần này khoảng 2 - 3 phút.

Bước 3: Làm các câu hỏi khó - cực khó (vận dụng cao) có khoảng 10 câu, thời gian làm bài khoảng 3,5 phút. Phần này chỉ những em học sinh giỏi mới có thể giải được.

Chú ý vận dụng linh hoạt những kỹ thuật làm bài trắc nghiệm như đã nêu ở trên thật nhuần nhuyễn. Trong quá trình làm bài, các em chú ý phân chia thời gian hợp lý cho các câu, các phần thi để không bị động.

Nếu không chọn được chính xác phương án đúng ở một câu hỏi nào đó, các em có thể chọn ngẫu nhiên một phương án, không được bỏ câu nào vì nếu may mắn vẫn có thể có cơ hội được điểm ở câu hỏi đó.

4. Những sai sót thường gặp

- Tô sai số ký danh và mã đề: cần cẩn thận khi tô số ký danh của mình và tô đúng mã đề thi của mình vào phiếu trả lời trắc nghiệm.

- Tô đáp án bị lệch dòng.

- Làm trắc nghiệm mà làm như tự luận, nghĩa là đọc xong phần đề dẫn là đã vội vàng giải ngay, khi ra đáp số rồi mới so sánh với 4 đáp án A, B, C, D để xem đáp án nào đúng thì chọn. Đây có thể là một sai lầm, vì vậy cần xác định hướng xử lý trước khi bắt tay vào giải.

- Đọc không kỹ câu hỏi, đặc biệt là những câu hỏi kiểu "Mệnh đề nào sau đây Sai?" dẫn đến chọn sai đáp án.
Xem thêm:
tư vấn chọn trường đại học khối a Các ngành khối a hot trong tương lai

Share this:

Đăng nhận xét

 
Copyright © 2014 Báo Học Tập. Designed by Quản Dương